Nói về việc tiêu tiền, mặc dù Việt Nam là nước có thu nhập trung bình nhưng giới thượng lưu người Việt khi tiêu tiền vẫn không cần cân nhắc, đặt lên hạ xuống đối với những món đồ xa xỉ mà họ thích. Thậm chí, đối với tầng lớp cận thương lưu thì việc mạnh tay chi tiền vào các thương hiệu quốc tế cũng đang ngày một gia tăng
Phân tích trên góc độ tâm lý tiêu dùng của người Việt Nam từ những nhận định của Tập đoàn nghiên cứu thị trường Roy Morgan khi chỉ ra sự khác biệt lớn ở các thị trường châu Á mới nổi, trong đó có nói về việc thích xài sang, dùng hàng hiệu và chứng tỏ với mọi người về sự am hiểu thông dụng các mặt hàng này cho thấy không có tác dụng đối với việc kích sự phát triển của nền kinh tế trong nước.
Gia công toàn diện nhưng mê... hàng hiệu
Từ thực tế xu thế hiện nay nhiều người Việt Nam tại các thành phố lớn thích mua sắm tại các siêu thị, ăn đồ hiệu ăn nhanh, dùng hàng hiệu như một cách để chứng minh cho mọi người về đẳng cấp tiêu tiền đang bộc lộ những điểm bất lợi cho nền kinh tế.
Nghiên cứu của Roy Morgan chỉ rõ, Việt Nam được biết đến như là thị trường nóng nhất của Apple nhờ nhóm tiêu dùng trẻ tuổi. Doanh số của Apple đã tăng gấp ba lần trong ba tháng đầu năm 2014. Mỗi quí, doanh số của iPhone tăng gấp hai lần và tốc độ tăng này vẫn đang tiếp tục.
Theo chuyên gia kinh tế Bùi Trinh, khi tiêu dùng hàng hiệu, sử dụng các sản phẩm nhập ngoại không giúp gì cho GDP bởi vì các mặt hàng này trong nước không làm ra được mà phải nhập khẩu nên bản chất là làm giảm GDP, trong trường hợp dùng hàng sản xuất trong nước do nền kinh tế Việt Nam chủ yếu là gia công, không có công nghiệp phụ trợ nên dùng hàng trong nước thực ra cũng chỉ kích thích nhập khẩu nguyên vật liệu từ nước ngoài.
Số liệu thống kê cho thấy 60% nhập khẩu là cho nguyên vật liệu cho sản xuất, khoảng 30% là máy móc thiết bị, chỉ khoảng xấp xỉ 10% là cho tiêu dùng.
Như vậy có thể thấy càng kích cầu tiêu dùng theo dưới bất kỳ hình thức nào chỉ kích thích nhập khẩu bởi thực tế số doanh nghiệp sản xuất trực tiếp trong nước quá ít và cơ bản là sản xuất gia công, chủ yếu là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm lĩnh từ khâu sản xuất đến phân phối tiêu dùng. “Kích tiêu dùng bất cứ hình thức nào cũng đều sai vì kể cả hàng trong nước thì cũng là hàng gia công, là một hình thức nhập khẩu trá hình”, ông Trinh nhận định.
Theo số liệu của Tổng cục Thông kê 2012 về thu nhập bình quân đầu khoảng 2 triệu đồng tháng có thể thấy rằng với cách chi tiêu và tâm lý tiêu dùng thích xài sang là không tương xứng, điều này cho thấy sự phân cách biệt thu nhập giữa các nhóm dân cư là khá lớn.
“Có những người vay mượn để mua xe ô tô trong khi thực chất nhu cầu không cần thiết đến mức đó. Cứ nói Việt Nam là nước đang phát triển nhưng cứ nhìn những thương hiệu xe nổi tiếng, đời mới, điện thoại cao cấp vừa ra đời là xuất hiện nhan nhản trên đường phố của chúng ta thì đủ thấy sự “chịu chơi” tới cỡ nào”, ông Trinh ví dụ.
Theo ông Trinh, hiện nền kinh tế của Việt Nam là gia công toàn diện, ăn sổi mà hô hào kích cầu thì càng ăn sổi hơn. Khi đó càng đẩy kinh tế đi vào khó khăn hơn.
Tâm lý tiêu dùng của nhiều người Việt hiện đang không giúp ích cho nền kinh tế
Tiền ở đâu ra?
Lý giải sự dịch chuyển của dòng tiền ông Trinh cho rằng: Thứ nhất là từ vay mượn, thứ hai là bán tài nguyên thô và thứ ba là bán rẻ sức lao động.
Dẫn ví dụ từ hàng triệu công nhân ở Bình Dương, ông Trinh cho biết: với mức thu nhập của công nhân ở đây chỉ 2-3 triệu đồng/tháng, lương không đủ ăn. Trong khi đó tiền thuế (gián thu và trực thu) mà các doanh nghiệp phải nộp ngân sách cũng chính là tiền của người dân và người lao động đóng góp trực tiếp hoặc gián tiếp. Rồi tiền đó lại được phân phối tiếp và sẽ chỉ có một nhóm người có thu nhập cao từ quá trình phân phối lại này.
“Như vậy sẽ chỉ có nhóm người được hưởng các dịch vụ, sản phẩm xa xỉ còn những người dân bình thường, người lao động không ai có tiền vào những nơi bán hàng hiệu hay siêu thị. Người nông dân và công nhân thì quá khổ sở rồi. Thu nhập của nhóm dân cư này được hưởng lợi trong quá trình phân phối lại thu nhập. Phải chăng đây cũng là vấn đề cần cấu trúc lại?”, ông Trinh phân tích.
Ý niệm lấy thuế của người nghèo phục vụ cho người giàu có thể dễ hiểu hơn khi nhìn nhận từ các doanh nghiệp FDI được ưu đãi đủ thứ đất đai, tín dụng… Thuế là công cụ duy nhất để thể hiện phần trách nhiệm của doanh nghiệp của các doanh nghiệp đối với địa phương thì lại được miễn hoặc họ tìm cách trốn thuế.
“Các doanh nghiệp trong nước thì khó khăn đến bước đường cùng rồi nhưng vẫn tận thu. Các loại thuế, phí như thời gian vừa qua sẽ khiến họ nản, làm cầm chừng và không cón động cơ để đầu tư mở rộng sản xuất, dần dần sẽ chỉ còn doanh nghiệp FDI chiếm lĩnh”, ông Trinh cảnh báo.