Showing posts with label Việt Nam. Show all posts
Showing posts with label Việt Nam. Show all posts

Tuesday, September 9, 2014

Thương mại điện tử tại Việt Nam vẫn đang trên đà phát triển với mức tăng trưởng doanh thu hàng năm rất ấn tượng. Cùng với sự phát triển của công nghệ, tích hợp thêm các kênh bán hàng trực tuyến (TMĐT) và cho ra đời siêu thị online là xu thế tất yếu để các nhà các bán lẻ gia tăng thêm khả năng cạnh tranh và thu hút khách hàng.

Đưa siêu thị lên online, khó hay dễ ?
E-grocery (siêu thị online) là một nhánh của TMĐT nhưng phức tạp hơn rất nhiều do mang đặc thù của ngành hàng siêu thị, bao gồm các mặt hàng tiêu dùng nhanh – FMCG (chủ yếu là các nhu yếu phẩm và thực phẩm tươi sống). Trong ngành kinh doanh siêu thị, việc đàm phán với các nhà cung ứng về mức chiết khấu, cũng như các vấn đề thanh khoản, ghi nợ là rất quan trọng.

Hạn sử dụng của các mặt hàng tiêu dùng (đặc biệt là các thực phẩm tươi sống) thường rất ngắn nên khâu quản lý vận hành (như trữ hàng và giao nhận) phức tạp và tốn rất nhiều chi phí. Đồng thời, đặc thù các mặt hàng tiêu dùng phổ thông là cạnh tranh về giá nên các doanh nghiệp phải giữ giá để không bị đẩy lên quá cao và dẫn đến việc lợi nhuận biên thấp.

Trước sự cạnh tranh của các siêu thị truyền thống, cộng với sự phức tạp của quản lý vận hành khiến cho các siêu thị online khó khăn trong việc mở rộng quy mô.

Trước những rào cản kể trên, có thể dễ dàng nhận thấy, e-grocery không phải là sân chơi cho những doanh nghiệp non trẻ. Với hệ thống quản lý và giao nhận hàng sẵn có, các doanh nghiệp kinh doanh siêu thị truyền thống đang muốn lấn sân sang TMĐT sẽ có nhiều lợi thế hơn.

Cùng nhìn qua thị trường kinh doanh siêu thị Singapore và trường hợp của Cold Storage – một doanh nghiệp tiên phong đón đầu xu hướng TMĐT và hiện đang dẫn đầu trong thị trường bán lẻ của Singapore.



Cold Storage là chuỗi hệ thống siêu thị lớn thứ nhì Singapore (sau NTUC FairPrice), được sở hữu bởi Dairy Farm International Holdings. Cold Storage đã mở kênh online đầu tiên ở Singapore vào năm 1997, thống trị thị trường e-grocery của Singapore gần một thập kỷ qua, với lượng khách mua hàng trực tuyến thường xuyên là 6.000 người vào năm 1998, và tăng lên đến hơn 15.000 người vào năm 2012. Hiện nay, tại Singapore, các ông lớn bán lẻ khác như NTUC FairPrice, E-mart, econ Minimart ... cũng đã phát triển trang TMĐT, nhưng chỉ có Cold Storage và E-mart bán các mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau quả, trái cây trên hệ thống trực tuyến.

Đối với các siêu thị như Cold Storage, NTUC FairPrice, E-mart, hay econ Minimart... e-grocery chỉ là một kênh phân phối. Trong khi đó, Redmart là một startup được thành lập vào năm 2011 và chỉ hoạt động online. Sau 3 năm thành lập, Redmart đã đạt được nhiều thành công đáng kể và trở thành đối thủ nặng kí của các siêu thị offline lớn của Singapore, và hiện cũng đang là đối thủ trực tiếp của Cold Storage. Ngày 14/7/2014, Redmart nhận được 23 triệu USD trong vòng đầu tư series B, nâng tổng số vốn đầu tư lên 28,4 triệu USD. Mỗi đơn hàng của Redmart trung bình từ 10 đến 20 món hàng, hơn gấp đôi so với những trang TMĐT thông thường. Với khoảng 200 nhân sự, doanh thu của Redmart đang tăng đều 20% mỗi tháng từ ngày ra mắt, con số chính xác không được tiết lộ.



Tiềm năng thị trường e-grocery tại Việt Nam
Theo báo cáo về "Mức độ sôi động của các thị trường bán lẻ khu vực châu Á – Thái Bình Dương 2014″ do CBRE công bố, Việt Nam là một trong những thị trường bán lẻ tiềm năng được đánh giá cao vào bậc nhất khu vực do cơ cấu dân số trẻ và sức mua ngày càng được cải thiện nhờ số lượng tầng lớp trung lưu đang tăng mạnh.

Năm 2015, theo cam kết WTO, các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài sẽ được đầu tư với số vốn 100% tại Việt Nam (hiện tại 50%). Điều này khiến cho mức độ cạnh tranh trong thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ còn sôi động hơn nữa trong thời gian sắp tới.

Ông Nguyễn Thanh Hưng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, nhận định mua bán trực tuyến sẽ là một xu thế tất yếu khi năm trang bán hàng trực tuyến hàng đầu Việt Nam luôn có lượng truy cập cao nhất so với các website khác trong khu vực.

Ts. Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR) cho rằng với sự phát triển của công nghệ và các hình thức thanh toán, bán lẻ trực tuyến nhiều khả năng sẽ bùng nổ và vì vậy, các nhà bán lẻ lớn sẽ phải tính đến chuyện kết hợp nhiều kênh khác nhau để thu hút khách hàng.



Big C đã tiên phong đưa hệ thống chuỗi siêu thị từ offline lên online với tham vọng trở thành một trong những trang TMĐT hàng đầu Việt Nam trong vòng 2 năm tới. Ngày 18/4/2014, Cdiscount.vn– trang TMĐT của Big C chính thức được đưa vào hoạt động.

Vậy cơ hội nào cho các startup Việt trong thị trường e-grocery? Điều đó phụ thuộc vào tầm nhìn của doanh nghiệp và khả năng khai thác những ngách nhỏ của thị trường này.

Tại Hà Nội có Disieuthi.vn, là sàn giao dịch TMĐT, tức là một trung gian giữa các siêu thị và khách hàng. Không tốn nguồn lực để xây dựng hệ thống kho bãi, thực hiện khâu quản lý trữ hàng, startup này chọn hướng trở thành kênh phân phối trực tuyến của các siêu thị, đồng thời cung cấp dịch vụ "đi siêu thị thuê" cho khách hàng.

Tại TP.HCM, có các startup như Beppho.com, Ilovefood.com.vn, Dichomoingay.com đang cung cấp thực phẩm tươi sống được sơ chế sẵn qua kênh online. Sau khi đã chọn món và đặt hàng trên trang web hoặc qua tổng đài, khách hàng sẽ được giao đến tận nhà những thực phẩm đã qua sơ chế (chẳng hạn như rau củ đã nhặt, rửa sạch, thịt cá đã làm sạch, tẩm ướp theo món, các gia vị đầy đủ đi kèm) và chỉ còn việc thực hiện công đoạn cuối cùng là nấu chin theo công thức đính kèm. Dịch vụ này rất phù hợp với những gia đình hiện đại, cả vợ và chồng đều bận rộn với công việc nhưng vẫn thích những bữa ăn tự nấu, chứ không muốn đi ăn ngoài. Đây cũng là một hướng đi thông minh để khai thác thị trường ngách.

Sức nóng từ thị trường bán lẻ Việt Nam
Trước áp lực mở cửa hoàn toàn vào năm 2015, các doanh nghiệp kinh doanh siêu thị nội ngoại đang gấp rút chạy đua, các thương vụ chuyển nhượng kết hợp đang được thực hiện để tranh giành thị phần và chuẩn bị cho làn sóng cạnh tranh sắp tới:

Năm 2013, "ông lớn" SaigonCo.op đã bắt tay cùng NTUC FairPrice (Singapore) đầu tư và cho ra mắt đại siêu thị Co.opXtra Plus tại Thủ Đức vừa bán lẻ vừa phân phối hàng hóa số lượng lớn. Bên cạnh đó, Saigon Co.op đang nỗ lực mở rộng hệ thống phân phối với 70 siêu thị Co.opmart trên toàn quốc và 73 cửa hàng thực phẩm tiện lợi Co.op Food đi sâu vào các khu dân cư, khu cư xá, khu công nghiệp...

Hệ thống siêu thị Citimart cũng đang củng cố hệ thống bán lẻ để đảm bảo sức cạnh tranh. Doanh nghiệp này sẽ mở thêm 70 điểm đến năm 2015, với ưu tiên trọng tâm là điểm bán có quy mô chỉ từ 1.000 – 2.000m².

Tháng 5/2014, Big C Việt Nam (thuộc tập đoàn Groupe Casino của Pháp) cũng rót khoảng 9,6 triệu USD để mở siêu thị Big C Quy Nhơn, Bình Định, siêu thị thứ 28 của hệ thống Big C toàn quốc.

Lotte Mart đã mở siêu thị đầu tiên tại Hà Nội vào tháng 3/2014 và mở tiếp cái thứ hai vào tháng 8/2014 với vốn đầu tư trên 25 triệu USD mỗi siêu thị, nâng tổng số siêu thị đang hoạt động tại Việt Nam lên tám cái.

Tập đoàn AEON (Nhật) sau khi mở một trung tâm ở quận Tân Phú, TP.HCM cũng đang gấp rút chuẩn bị khai trương Aeon Mall Bình Dương Canary với vốn đầu tư 95 triệu USD, dự kiến sẽ hoàn thành và chính thức hoạt động vào tháng 11/2014.

Sau khi thâu tóm chuỗi bán lẻ FamilyMart và đổi tên thành B's mart, tháng 8/2014, tập đoàn Berli Jucker (BJC) của tỉ phú người Thái Charoen Sirivadhanabhakdi đã mua lại toàn bộ hệ thống Metro Cash & Carry Việt Nam (thuộc Metro Group của Đức) với giá gần 879 triệu USD.
Nói về việc tiêu tiền, mặc dù Việt Nam là nước có thu nhập trung bình nhưng giới thượng lưu người Việt khi tiêu tiền vẫn không cần cân nhắc, đặt lên hạ xuống đối với những món đồ xa xỉ mà họ thích. Thậm chí, đối với tầng lớp cận thương lưu thì việc mạnh tay chi tiền vào các thương hiệu quốc tế cũng đang ngày một gia tăng

Phân tích trên góc độ tâm lý tiêu dùng của người Việt Nam từ những nhận định của Tập đoàn nghiên cứu thị trường Roy Morgan khi chỉ ra sự khác biệt lớn ở các thị trường châu Á mới nổi, trong đó có nói về việc thích xài sang, dùng hàng hiệu và chứng tỏ với mọi người về sự am hiểu thông dụng các mặt hàng này cho thấy không có tác dụng đối với việc kích sự phát triển của nền kinh tế trong nước.

Gia công toàn diện nhưng mê... hàng hiệu
Từ thực tế xu thế hiện nay nhiều người Việt Nam tại các thành phố lớn thích mua sắm tại các siêu thị, ăn đồ hiệu ăn nhanh, dùng hàng hiệu như một cách để chứng minh cho mọi người về đẳng cấp tiêu tiền đang bộc lộ những điểm bất lợi cho nền kinh tế.

Nghiên cứu của Roy Morgan chỉ rõ, Việt Nam được biết đến như là thị trường nóng nhất của Apple nhờ nhóm tiêu dùng trẻ tuổi. Doanh số của Apple đã tăng gấp ba lần trong ba tháng đầu năm 2014. Mỗi quí, doanh số của iPhone tăng gấp hai lần và tốc độ tăng này vẫn đang tiếp tục.

Theo chuyên gia kinh tế Bùi Trinh, khi tiêu dùng hàng hiệu, sử dụng các sản phẩm nhập ngoại không giúp gì cho GDP bởi vì các mặt hàng này trong nước không làm ra được mà phải nhập khẩu nên bản chất là làm giảm GDP, trong trường hợp dùng hàng sản xuất trong nước do nền kinh tế Việt Nam chủ yếu là gia công, không có công nghiệp phụ trợ nên dùng hàng trong nước thực ra cũng chỉ kích thích nhập khẩu nguyên vật liệu từ nước ngoài.

Số liệu thống kê cho thấy 60% nhập khẩu là cho nguyên vật liệu cho sản xuất, khoảng 30% là máy móc thiết bị, chỉ khoảng xấp xỉ 10% là cho tiêu dùng.

Như vậy có thể thấy càng kích cầu tiêu dùng theo dưới bất kỳ hình thức nào chỉ kích thích nhập khẩu bởi thực tế số doanh nghiệp sản xuất trực tiếp trong nước quá ít và cơ bản là sản xuất gia công, chủ yếu là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm lĩnh từ khâu sản xuất đến phân phối tiêu dùng. “Kích tiêu dùng bất cứ hình thức nào cũng đều sai vì kể cả hàng trong nước thì cũng là hàng gia công, là một hình thức nhập khẩu trá hình”, ông Trinh nhận định.

Theo số liệu của Tổng cục Thông kê 2012 về thu nhập bình quân đầu khoảng 2 triệu đồng tháng có thể thấy rằng với cách chi tiêu và tâm lý tiêu dùng thích xài sang là không tương xứng, điều này cho thấy sự phân cách biệt thu nhập giữa các nhóm dân cư là khá lớn.

“Có những người vay mượn để mua xe ô tô trong khi thực chất nhu cầu không cần thiết đến mức đó. Cứ nói Việt Nam là nước đang phát triển nhưng cứ nhìn những thương hiệu xe nổi tiếng, đời mới, điện thoại cao cấp vừa ra đời là xuất hiện nhan nhản trên đường phố của chúng ta thì đủ thấy sự “chịu chơi” tới cỡ nào”, ông Trinh ví dụ.

Theo ông Trinh, hiện nền kinh tế của Việt Nam là gia công toàn diện, ăn sổi mà hô hào kích cầu thì càng ăn sổi hơn. Khi đó càng đẩy kinh tế đi vào khó khăn hơn.
Tâm lý tiêu dùng của nhiều người Việt hiện đang không giúp ích cho nền kinh tế 

Tiền ở đâu ra?
Lý giải sự dịch chuyển của dòng tiền ông Trinh cho rằng: Thứ nhất là từ vay mượn, thứ hai là bán tài nguyên thô và thứ ba là bán rẻ sức lao động.

Dẫn ví dụ từ hàng triệu công nhân ở Bình Dương, ông Trinh cho biết: với mức thu nhập của công nhân ở đây chỉ 2-3 triệu đồng/tháng, lương không đủ ăn. Trong khi đó tiền thuế (gián thu và trực thu) mà các doanh nghiệp phải nộp ngân sách cũng chính là tiền của người dân và người lao động đóng góp trực tiếp hoặc gián tiếp. Rồi tiền đó lại được phân phối tiếp và sẽ chỉ có một nhóm người có thu nhập cao từ quá trình phân phối lại này.

“Như vậy sẽ chỉ có nhóm người được hưởng các dịch vụ, sản phẩm xa xỉ còn những người dân bình thường, người lao động không ai có tiền vào những nơi bán hàng hiệu hay siêu thị. Người nông dân và công nhân thì quá khổ sở rồi. Thu nhập của nhóm dân cư này được hưởng lợi trong quá trình phân phối lại thu nhập. Phải chăng đây cũng là vấn đề cần cấu trúc lại?”, ông Trinh phân tích.

Ý niệm lấy thuế của người nghèo phục vụ cho người giàu có thể dễ hiểu hơn khi nhìn nhận từ các doanh nghiệp FDI được ưu đãi đủ thứ đất đai, tín dụng… Thuế là công cụ duy nhất để thể hiện phần trách nhiệm của doanh nghiệp của các doanh nghiệp đối với địa phương thì lại được miễn hoặc họ tìm cách trốn thuế.

“Các doanh nghiệp trong nước thì khó khăn đến bước đường cùng rồi nhưng vẫn tận thu. Các loại thuế, phí như thời gian vừa qua sẽ khiến họ nản, làm cầm chừng và không cón động cơ để đầu tư mở rộng sản xuất, dần dần sẽ chỉ còn doanh nghiệp FDI chiếm lĩnh”, ông Trinh cảnh báo.