Bài mới

Tuesday, September 9, 2014

Thương mại điện tử tại Việt Nam vẫn đang trên đà phát triển với mức tăng trưởng doanh thu hàng năm rất ấn tượng. Cùng với sự phát triển của công nghệ, tích hợp thêm các kênh bán hàng trực tuyến (TMĐT) và cho ra đời siêu thị online là xu thế tất yếu để các nhà các bán lẻ gia tăng thêm khả năng cạnh tranh và thu hút khách hàng.

Đưa siêu thị lên online, khó hay dễ ?
E-grocery (siêu thị online) là một nhánh của TMĐT nhưng phức tạp hơn rất nhiều do mang đặc thù của ngành hàng siêu thị, bao gồm các mặt hàng tiêu dùng nhanh – FMCG (chủ yếu là các nhu yếu phẩm và thực phẩm tươi sống). Trong ngành kinh doanh siêu thị, việc đàm phán với các nhà cung ứng về mức chiết khấu, cũng như các vấn đề thanh khoản, ghi nợ là rất quan trọng.

Hạn sử dụng của các mặt hàng tiêu dùng (đặc biệt là các thực phẩm tươi sống) thường rất ngắn nên khâu quản lý vận hành (như trữ hàng và giao nhận) phức tạp và tốn rất nhiều chi phí. Đồng thời, đặc thù các mặt hàng tiêu dùng phổ thông là cạnh tranh về giá nên các doanh nghiệp phải giữ giá để không bị đẩy lên quá cao và dẫn đến việc lợi nhuận biên thấp.

Trước sự cạnh tranh của các siêu thị truyền thống, cộng với sự phức tạp của quản lý vận hành khiến cho các siêu thị online khó khăn trong việc mở rộng quy mô.

Trước những rào cản kể trên, có thể dễ dàng nhận thấy, e-grocery không phải là sân chơi cho những doanh nghiệp non trẻ. Với hệ thống quản lý và giao nhận hàng sẵn có, các doanh nghiệp kinh doanh siêu thị truyền thống đang muốn lấn sân sang TMĐT sẽ có nhiều lợi thế hơn.

Cùng nhìn qua thị trường kinh doanh siêu thị Singapore và trường hợp của Cold Storage – một doanh nghiệp tiên phong đón đầu xu hướng TMĐT và hiện đang dẫn đầu trong thị trường bán lẻ của Singapore.



Cold Storage là chuỗi hệ thống siêu thị lớn thứ nhì Singapore (sau NTUC FairPrice), được sở hữu bởi Dairy Farm International Holdings. Cold Storage đã mở kênh online đầu tiên ở Singapore vào năm 1997, thống trị thị trường e-grocery của Singapore gần một thập kỷ qua, với lượng khách mua hàng trực tuyến thường xuyên là 6.000 người vào năm 1998, và tăng lên đến hơn 15.000 người vào năm 2012. Hiện nay, tại Singapore, các ông lớn bán lẻ khác như NTUC FairPrice, E-mart, econ Minimart ... cũng đã phát triển trang TMĐT, nhưng chỉ có Cold Storage và E-mart bán các mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau quả, trái cây trên hệ thống trực tuyến.

Đối với các siêu thị như Cold Storage, NTUC FairPrice, E-mart, hay econ Minimart... e-grocery chỉ là một kênh phân phối. Trong khi đó, Redmart là một startup được thành lập vào năm 2011 và chỉ hoạt động online. Sau 3 năm thành lập, Redmart đã đạt được nhiều thành công đáng kể và trở thành đối thủ nặng kí của các siêu thị offline lớn của Singapore, và hiện cũng đang là đối thủ trực tiếp của Cold Storage. Ngày 14/7/2014, Redmart nhận được 23 triệu USD trong vòng đầu tư series B, nâng tổng số vốn đầu tư lên 28,4 triệu USD. Mỗi đơn hàng của Redmart trung bình từ 10 đến 20 món hàng, hơn gấp đôi so với những trang TMĐT thông thường. Với khoảng 200 nhân sự, doanh thu của Redmart đang tăng đều 20% mỗi tháng từ ngày ra mắt, con số chính xác không được tiết lộ.



Tiềm năng thị trường e-grocery tại Việt Nam
Theo báo cáo về "Mức độ sôi động của các thị trường bán lẻ khu vực châu Á – Thái Bình Dương 2014″ do CBRE công bố, Việt Nam là một trong những thị trường bán lẻ tiềm năng được đánh giá cao vào bậc nhất khu vực do cơ cấu dân số trẻ và sức mua ngày càng được cải thiện nhờ số lượng tầng lớp trung lưu đang tăng mạnh.

Năm 2015, theo cam kết WTO, các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài sẽ được đầu tư với số vốn 100% tại Việt Nam (hiện tại 50%). Điều này khiến cho mức độ cạnh tranh trong thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ còn sôi động hơn nữa trong thời gian sắp tới.

Ông Nguyễn Thanh Hưng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, nhận định mua bán trực tuyến sẽ là một xu thế tất yếu khi năm trang bán hàng trực tuyến hàng đầu Việt Nam luôn có lượng truy cập cao nhất so với các website khác trong khu vực.

Ts. Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR) cho rằng với sự phát triển của công nghệ và các hình thức thanh toán, bán lẻ trực tuyến nhiều khả năng sẽ bùng nổ và vì vậy, các nhà bán lẻ lớn sẽ phải tính đến chuyện kết hợp nhiều kênh khác nhau để thu hút khách hàng.



Big C đã tiên phong đưa hệ thống chuỗi siêu thị từ offline lên online với tham vọng trở thành một trong những trang TMĐT hàng đầu Việt Nam trong vòng 2 năm tới. Ngày 18/4/2014, Cdiscount.vn– trang TMĐT của Big C chính thức được đưa vào hoạt động.

Vậy cơ hội nào cho các startup Việt trong thị trường e-grocery? Điều đó phụ thuộc vào tầm nhìn của doanh nghiệp và khả năng khai thác những ngách nhỏ của thị trường này.

Tại Hà Nội có Disieuthi.vn, là sàn giao dịch TMĐT, tức là một trung gian giữa các siêu thị và khách hàng. Không tốn nguồn lực để xây dựng hệ thống kho bãi, thực hiện khâu quản lý trữ hàng, startup này chọn hướng trở thành kênh phân phối trực tuyến của các siêu thị, đồng thời cung cấp dịch vụ "đi siêu thị thuê" cho khách hàng.

Tại TP.HCM, có các startup như Beppho.com, Ilovefood.com.vn, Dichomoingay.com đang cung cấp thực phẩm tươi sống được sơ chế sẵn qua kênh online. Sau khi đã chọn món và đặt hàng trên trang web hoặc qua tổng đài, khách hàng sẽ được giao đến tận nhà những thực phẩm đã qua sơ chế (chẳng hạn như rau củ đã nhặt, rửa sạch, thịt cá đã làm sạch, tẩm ướp theo món, các gia vị đầy đủ đi kèm) và chỉ còn việc thực hiện công đoạn cuối cùng là nấu chin theo công thức đính kèm. Dịch vụ này rất phù hợp với những gia đình hiện đại, cả vợ và chồng đều bận rộn với công việc nhưng vẫn thích những bữa ăn tự nấu, chứ không muốn đi ăn ngoài. Đây cũng là một hướng đi thông minh để khai thác thị trường ngách.

Sức nóng từ thị trường bán lẻ Việt Nam
Trước áp lực mở cửa hoàn toàn vào năm 2015, các doanh nghiệp kinh doanh siêu thị nội ngoại đang gấp rút chạy đua, các thương vụ chuyển nhượng kết hợp đang được thực hiện để tranh giành thị phần và chuẩn bị cho làn sóng cạnh tranh sắp tới:

Năm 2013, "ông lớn" SaigonCo.op đã bắt tay cùng NTUC FairPrice (Singapore) đầu tư và cho ra mắt đại siêu thị Co.opXtra Plus tại Thủ Đức vừa bán lẻ vừa phân phối hàng hóa số lượng lớn. Bên cạnh đó, Saigon Co.op đang nỗ lực mở rộng hệ thống phân phối với 70 siêu thị Co.opmart trên toàn quốc và 73 cửa hàng thực phẩm tiện lợi Co.op Food đi sâu vào các khu dân cư, khu cư xá, khu công nghiệp...

Hệ thống siêu thị Citimart cũng đang củng cố hệ thống bán lẻ để đảm bảo sức cạnh tranh. Doanh nghiệp này sẽ mở thêm 70 điểm đến năm 2015, với ưu tiên trọng tâm là điểm bán có quy mô chỉ từ 1.000 – 2.000m².

Tháng 5/2014, Big C Việt Nam (thuộc tập đoàn Groupe Casino của Pháp) cũng rót khoảng 9,6 triệu USD để mở siêu thị Big C Quy Nhơn, Bình Định, siêu thị thứ 28 của hệ thống Big C toàn quốc.

Lotte Mart đã mở siêu thị đầu tiên tại Hà Nội vào tháng 3/2014 và mở tiếp cái thứ hai vào tháng 8/2014 với vốn đầu tư trên 25 triệu USD mỗi siêu thị, nâng tổng số siêu thị đang hoạt động tại Việt Nam lên tám cái.

Tập đoàn AEON (Nhật) sau khi mở một trung tâm ở quận Tân Phú, TP.HCM cũng đang gấp rút chuẩn bị khai trương Aeon Mall Bình Dương Canary với vốn đầu tư 95 triệu USD, dự kiến sẽ hoàn thành và chính thức hoạt động vào tháng 11/2014.

Sau khi thâu tóm chuỗi bán lẻ FamilyMart và đổi tên thành B's mart, tháng 8/2014, tập đoàn Berli Jucker (BJC) của tỉ phú người Thái Charoen Sirivadhanabhakdi đã mua lại toàn bộ hệ thống Metro Cash & Carry Việt Nam (thuộc Metro Group của Đức) với giá gần 879 triệu USD.
Nói về việc tiêu tiền, mặc dù Việt Nam là nước có thu nhập trung bình nhưng giới thượng lưu người Việt khi tiêu tiền vẫn không cần cân nhắc, đặt lên hạ xuống đối với những món đồ xa xỉ mà họ thích. Thậm chí, đối với tầng lớp cận thương lưu thì việc mạnh tay chi tiền vào các thương hiệu quốc tế cũng đang ngày một gia tăng

Phân tích trên góc độ tâm lý tiêu dùng của người Việt Nam từ những nhận định của Tập đoàn nghiên cứu thị trường Roy Morgan khi chỉ ra sự khác biệt lớn ở các thị trường châu Á mới nổi, trong đó có nói về việc thích xài sang, dùng hàng hiệu và chứng tỏ với mọi người về sự am hiểu thông dụng các mặt hàng này cho thấy không có tác dụng đối với việc kích sự phát triển của nền kinh tế trong nước.

Gia công toàn diện nhưng mê... hàng hiệu
Từ thực tế xu thế hiện nay nhiều người Việt Nam tại các thành phố lớn thích mua sắm tại các siêu thị, ăn đồ hiệu ăn nhanh, dùng hàng hiệu như một cách để chứng minh cho mọi người về đẳng cấp tiêu tiền đang bộc lộ những điểm bất lợi cho nền kinh tế.

Nghiên cứu của Roy Morgan chỉ rõ, Việt Nam được biết đến như là thị trường nóng nhất của Apple nhờ nhóm tiêu dùng trẻ tuổi. Doanh số của Apple đã tăng gấp ba lần trong ba tháng đầu năm 2014. Mỗi quí, doanh số của iPhone tăng gấp hai lần và tốc độ tăng này vẫn đang tiếp tục.

Theo chuyên gia kinh tế Bùi Trinh, khi tiêu dùng hàng hiệu, sử dụng các sản phẩm nhập ngoại không giúp gì cho GDP bởi vì các mặt hàng này trong nước không làm ra được mà phải nhập khẩu nên bản chất là làm giảm GDP, trong trường hợp dùng hàng sản xuất trong nước do nền kinh tế Việt Nam chủ yếu là gia công, không có công nghiệp phụ trợ nên dùng hàng trong nước thực ra cũng chỉ kích thích nhập khẩu nguyên vật liệu từ nước ngoài.

Số liệu thống kê cho thấy 60% nhập khẩu là cho nguyên vật liệu cho sản xuất, khoảng 30% là máy móc thiết bị, chỉ khoảng xấp xỉ 10% là cho tiêu dùng.

Như vậy có thể thấy càng kích cầu tiêu dùng theo dưới bất kỳ hình thức nào chỉ kích thích nhập khẩu bởi thực tế số doanh nghiệp sản xuất trực tiếp trong nước quá ít và cơ bản là sản xuất gia công, chủ yếu là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm lĩnh từ khâu sản xuất đến phân phối tiêu dùng. “Kích tiêu dùng bất cứ hình thức nào cũng đều sai vì kể cả hàng trong nước thì cũng là hàng gia công, là một hình thức nhập khẩu trá hình”, ông Trinh nhận định.

Theo số liệu của Tổng cục Thông kê 2012 về thu nhập bình quân đầu khoảng 2 triệu đồng tháng có thể thấy rằng với cách chi tiêu và tâm lý tiêu dùng thích xài sang là không tương xứng, điều này cho thấy sự phân cách biệt thu nhập giữa các nhóm dân cư là khá lớn.

“Có những người vay mượn để mua xe ô tô trong khi thực chất nhu cầu không cần thiết đến mức đó. Cứ nói Việt Nam là nước đang phát triển nhưng cứ nhìn những thương hiệu xe nổi tiếng, đời mới, điện thoại cao cấp vừa ra đời là xuất hiện nhan nhản trên đường phố của chúng ta thì đủ thấy sự “chịu chơi” tới cỡ nào”, ông Trinh ví dụ.

Theo ông Trinh, hiện nền kinh tế của Việt Nam là gia công toàn diện, ăn sổi mà hô hào kích cầu thì càng ăn sổi hơn. Khi đó càng đẩy kinh tế đi vào khó khăn hơn.
Tâm lý tiêu dùng của nhiều người Việt hiện đang không giúp ích cho nền kinh tế 

Tiền ở đâu ra?
Lý giải sự dịch chuyển của dòng tiền ông Trinh cho rằng: Thứ nhất là từ vay mượn, thứ hai là bán tài nguyên thô và thứ ba là bán rẻ sức lao động.

Dẫn ví dụ từ hàng triệu công nhân ở Bình Dương, ông Trinh cho biết: với mức thu nhập của công nhân ở đây chỉ 2-3 triệu đồng/tháng, lương không đủ ăn. Trong khi đó tiền thuế (gián thu và trực thu) mà các doanh nghiệp phải nộp ngân sách cũng chính là tiền của người dân và người lao động đóng góp trực tiếp hoặc gián tiếp. Rồi tiền đó lại được phân phối tiếp và sẽ chỉ có một nhóm người có thu nhập cao từ quá trình phân phối lại này.

“Như vậy sẽ chỉ có nhóm người được hưởng các dịch vụ, sản phẩm xa xỉ còn những người dân bình thường, người lao động không ai có tiền vào những nơi bán hàng hiệu hay siêu thị. Người nông dân và công nhân thì quá khổ sở rồi. Thu nhập của nhóm dân cư này được hưởng lợi trong quá trình phân phối lại thu nhập. Phải chăng đây cũng là vấn đề cần cấu trúc lại?”, ông Trinh phân tích.

Ý niệm lấy thuế của người nghèo phục vụ cho người giàu có thể dễ hiểu hơn khi nhìn nhận từ các doanh nghiệp FDI được ưu đãi đủ thứ đất đai, tín dụng… Thuế là công cụ duy nhất để thể hiện phần trách nhiệm của doanh nghiệp của các doanh nghiệp đối với địa phương thì lại được miễn hoặc họ tìm cách trốn thuế.

“Các doanh nghiệp trong nước thì khó khăn đến bước đường cùng rồi nhưng vẫn tận thu. Các loại thuế, phí như thời gian vừa qua sẽ khiến họ nản, làm cầm chừng và không cón động cơ để đầu tư mở rộng sản xuất, dần dần sẽ chỉ còn doanh nghiệp FDI chiếm lĩnh”, ông Trinh cảnh báo.

Monday, September 8, 2014

Là một trong những website phổ biến nhất tại Nga, Yandex được biết đến như một nhà cung cấp đa dịch vụ với nhiều tiện ích hỗ trợ cho cộng đồng người sử dụng tiếng Nga

Yandex là số 1
Google hiện đang thống trị mảng tìm kiếm internet trên toàn thế giới nhưng vẫn có vài nơi là trường hợp ngoại lệ. Không chỉ "sa lầy" ở Trung Quốc mà hãng tìm kiếm số 1 thế giới cũng đang chật vật tìm chỗ đứng tại Nga, thị trường công nghệ được đánh giá là màu mỡ hàng đầu hiện nay.

Ở thời điểm hiện tại, thị trường tìm kiếm Nga đang bị chi phối mạnh mẽ bởi Yandex, công ty công nghệ này có hầu hết các dịch vụ chủ lực mà Google hiện có, từ tìm kiếm, mua sắm online, mạng xã hội và cả dịch vụ đám mây.

 

Mặc dù Yandex không phải là cái tên quen thuộc ngoài biên giới Nga và các nước thuộc liên bang Xô Viết cũ nhưng với việc thống trị thị trường này cũng đồng nghĩa với việc Yandex đang là "vua" của thị trường internet lớn nhất châu Âu nếu xét về lượng người sử dụng.

Hiện nay, Yandex đang tỏ ra không hề kém cạnh so với Google khi hãng sở hữu một trình duyệt nhằm đối chọi với Chrome và kho ứng dụng Android riêng biệt. 

Không những thế Yandex còn hợp tác với kẻ "tử thù" của Google là Apple trong lĩnh vực bản đồ trực tuyến.

Nga đồng nghĩa với khác biệt
Tại quốc gia này, các trang web được truy cập nhiều nhất không phải là Facebook, Google, YouTube, Yahoo hay Wikipedia mà chỉ có duy nhất một cái tên bản địa là Yandex. Với việc đứng đầu mảng tìm kiếm tại Nga đã giúp Yandex gần như thống lĩnh toàn bộ các mảng trực tuyến khác tại đất nước này.

Nếu như hiện tại Google đang chiếm tới 3/4 thị trường tìm kiếm trên toàn thế giới thì tại Nga tình thế lại hoàn toàn đảo ngược. Google chỉ có được 27% thị phần trong khi đó ngôi vị số 1 lại thuộc về Yandex với 68%. 

Tuy nhiên để đạt được con số trên, Google đã phải nhờ tới sự trợ giúp đáng kể của Chrome, một trong số những trình duyệt hiện được ưa chuộng hàng đầu tại đây.

Yandex tỏ rõ sự vượt trội tại Nga (Ảnh internet) 

Để hiểu rõ hơn về bước đường thành công của Yandex, cần quay lại năm 1990, thời điểm mà 2 nhà toán học Arkady Volozh và Arkady Borkovsky đặt nền móng đầu tiên cho dịch vụ tìm kiếm số 1 nước Nga ngày nay.

Việc tham gia mảng tìm kiếm cũng khá tình cờ khi ban đầu 2 "chàng" Arkady chỉ có ý định tạo ra một phần mềm dạng MS-DOS giúp phân loại bằng sáng chế và các loại hàng hóa. Tuy nhiên phần mềm lại có nhiều đặc trưng của một công cụ tìm kiếm hỗ trợ rất tốt ngôn ngữ của Nga và đây cũng chính là nền tảng đã tạo nền một Yandex hùng mạnh hiện nay.

Sau một thời gian dài nghiên cứu và phát triển, tới năm 1997, dưới sự bảo trợ của Comptek, nơi mà Arkady Volozh đang là giám đốc điều hành, cổng thông tin tìm kiếm yandex.ru đã chính thức ra đời. Đến năm 2000, nhận thấy tiềm năng lớn của Yandex, Arkady Volozh đã rời bỏ Comptek và mang theo dịch vụ này để phát triển thành công ty riêng.

Như vậy, nếu xét về thời điểm ra đời, Yandex còn xuất hiện trước cả Google và cũng tại lúc đó Yahoo mới chỉ là kẻ "ăn bám" khi là nơi hiển thị các kết quả tìm kiếm cho AltaVista.

Điểm mạnh nhất của Yandex là dịch vụ này thực hiện cực kỳ tốt khả năng tìm kiếm trong phạm vi tiếng Nga, thứ ngôn ngữ được giới công nghệ đánh giá là rất phức tạp. Các thuật toán tìm kiếm của Yandex có thể nói là vượt trội so với Google.

Cách sắp xếp các kết quả tìm kiếm của Yandex cũng khá ưu việt với công nghệ có tên gọi MatrixNet. Theo đó các kết quả trả lại cho người dùng sẽ được dựa trên nhiều yếu tố, từ tầm quan trọng hoặc thứ tự ưu tiên của thông tin cho đến thói quen của người dùng.

Vào năm 2010, Yandex cũng đưa ra khả năng tìm kiếm thời gian thực khi dữ liệu trên báo điện tử, mạng xã hội ... được cập nhật liên tục nhằm cung cấp cho người dùng thông tin nhanh chóng và đầy đủ hơn. Xét về tính năng này, Yandex được cho là hơn hẳn Google một bậc trong phạm vi ngôn ngữ Nga.

Vị thế thống trị của Yandex tại thị trường Nga có thể thấy rõ nét nhất qua khía cạnh doanh thu, năm 2012, công ty này đạt 955 triệu USD, tăng 44% so với năm 2011. Qua đó đưa Yandex trở thành doanh nghiệp internet thành công nhất tại Nga trong năm qua.

Trên bình diện quốc tế, trong năm 2012, theo thống kê của comScore, Yandex đã chính thức vượt qua Bing của Microsoft để trở thành dịch vụ tìm kiếm đứng thứ 4 trên thế giới.

"Chèn ép" Google trên mọi phương diện
Không chỉ vượt trội so với Google trong lĩnh vực tìm kiếm, Yandex còn tỏ ra nổi bật hơn hẳn trong các mảng trực tuyến khác trên sân nhà.

Nếu Google sử dụng trình duyệt Chrome như một công cụ chính nhằm đánh chiếm thị trường Nga thì Yandex cũng có "lá chắn" hữu hiệu là Yandex.Browser. Đáng ngạc nhiên là mặc dù được xây dựng trên nền mã nguồn mở Chromium của Google nhưng hiện Yandex.Browser lại là chương trình duyệt web được ưa chuộng nhất tại Nga.

Không những thế trình duyệt này được tích hợp rất sâu chức năng tìm kiếm của Yandex cùng độ bảo mật cao được đảm bảo bởi Kaspserksy, công ty bảo mật Nga hàng đầu thế giới.

Yandex.Store hiện có hơn 50.000 ứng dụng dành cho các thiết bị Android (Ảnh internet) 

Mặt khác nếu kho ứng dụng GooglePlay là một điểm cộng lớn của Google trên thị trường điện thoại di động thì Yandex cũng có kho ứng dụng Android của riêng mình nhằm đáp trả. Yandex.Store hiện có hơn 50.000 ứng dụng, hầu hết trong số này đều kết nối hoặc hỗ trợ trực tiếp các dịch vụ mà Yandex sở hữu.

Không chỉ có thế Yandex còn lên kế bắt tay với đối thủ chính của Google hiện nay là Apple nhằm đẩy mạnh dịch vụ bản đồ đến với người dùng của hãng này. Theo đó Yandex sẽ cung cấp dữ liệu bản đồ của Nga cũng như một số nước khác mà mình có để Apple đưa vào hệ điều hành iOS trong tương lai của mình.

Đây thực sự là một đòn giáng mạnh vào tham vọng của Google nếu biết cách đây không lâu Apple đã loại bỏ GoogleMaps khỏi danh sách những dịch vụ mặc định trên các thiết bị của mình như iphone, ipad.

Chưa dừng lại trong biên giới nước Nga, Yandex còn tấn công vào những thị trường mà Google hiện đang bỏ ngỏ như Belarus, Kazakhstan hay Ukraine hoặc những nơi mà Google hiện đang là số 1 như Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2011.

Trên toàn cầu, Yandex có thể chưa là mối đe dọa thực sự dành cho Google, nhưng những gì đã diễn ra ở Nga hiện là một bài học đắt giá cho hãng này. Hiện Google vẫn là số 1 trong lĩnh vực tìm kiếm nhưng ở các thị trường riêng biệt sẽ không thiếu những câu chuyện thần kỳ như Yandex, Baidu của Trung Quốc hay Naver của Hàn Quốc.

Monday, August 18, 2014

1) Tìm hiểu khái niệm căn bản
Marketing nội bộ là một khái niệm khá quen thuộc với các tổ chức, doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp dịch vụ trên thế giới. Tuy nhiên khái niệm này vẫn còn rất mới mẻ với đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam. Để hiểu rõ marketing nội là gì, trước hết chúng ta sẽ xem xét mối số khái niệm về marketing nội bộ đã được các nhà kinh tế trên thế giới nghiên cứu và đưa ra.

"...Nhìn nhận nhân viên như khách hàng nội bộ, nhìn nhận công việc như sản phẩm nội bộ. Từ đó thỏa mãn nhu cầu, ước muốn của những khách hàng nội bộ trong quá trình thực hiện mục tiêu của tổ chức. Đó là cốt lõi của marketing nội bộ " (Berry, 1984)

"Marketing nội bộ là một quá trình thu hút, phát triển, tạo động lực và giữ gìn những nhân viên có chất lượng thông qua thỏa mãn nhu cầu của họ. Marketing nội bộ là triết lý coi nhân viên như khách hàng..." (Berry & Parasuraman, 1991)

"Marketing nội bộ nghĩa là áp dụng những triết lý của và hành động của marketing cho những nhân viên phục vụ khách hàng của doanh nghiệp. Những nhân viên tốt nhất sẽ được lựa chọn, giữ lại và họ sẽ tạo ra sản phẩm, dịch vụ, sẽ làm việc tốt nhất có thể" (The Foudations of Internal Marketing, 1993)

"Marketing nội bộ là chiến lược phát triển mối quan hệ giữa các nhân viên trong nội bộ tổ chức. Khi áp dụng chiến lược này, nhân viên có những quyền hạn nhất định và họ biết cách kết hợp để tạo ra và lưu hành những nhận thức mới về tổ chức. Những nhận thức này sẽ tạo nên thách thức đối với những hoạt động nội bộ cần phải được thay đổi để thích ứng với chất lượng của những mối liên hệ trên thị trường" (Ballantyne, 2000)

Như vậy marketing nội bộ có thể được định nghĩa như sau:
Marketing nội bộ là một quá trình liên tục, diễn ra một cách nghiêm túc trong một doanh nghiệp hay một tổ chức mà nhờ đó quá trình chức năng đi đúng hướng, tạo động lực và thúc đẩy nhân viên ở mọi cấp độ quản lý, từ đó có thể tạo nên sự hài lòng cho khách hàng. Marketing nội bộ là quá trình được bắt nguồn từ các thành viên trong tổ chức, các nhân viên trong doanh nghiệp.


2) Một số yếu tố kinh doanh theo định hướng marketing nội bộ
- Tạo ra văn hóa kinh doanh trao quyền trong doanh nghiệp: Điều này được thực hiện khi các nhân viên được nhà quản lý trao quyền hạn nhất định. Cho phép họ sáng tạo, đổi mới, cho phép nhân viên chủ động, có quyền giải trình và chịu trách nhiệm về quyết định của họ.

- Thực hiện việc tuyển dụng lôi cuốn: tức là lôi cuốn, thu hút nhân viên hiện thời tham gia vào quá trình tuyển dụng nhân viên mới.

- Đảm bảo sự công nhận và thưởng công bằng cho nhân viên: doanh nghiệp phải áp dụng một cách có hiệu quả chế độ thưởng đối với nhân viên khi muốn ghi nhận những đóng góp của họ.

- Biểu hiện sự quan tâm trong những thời điểm khó khăn: thể hiện sự quan tâm một cách công bằng và có thiện chí đối với nhân viên gặp phải những thời điểm khó khăn như ốm đau, bệnh tật hay sự ra đi của một thành viên trong gia đình. Điều này có thể được thực hiện bằng việc thiết lập các quỹ dành cho trường hợp khẩn cấp. 

- Một cơ cấu tổ chức tốt là cơ cấu tổ chức cho phép học tập, quản lý chất lượng tổng thể và có thể điều chỉnh lại. 

Sự bùng nổ của kinh tế cũng như sự ảnh hưởng mạnh mẽ của hệ thống ngân hàng đã đem lại nhiều lợi ích cho các quốc gia, tuy nhiên sự hội nhập kinh tế đã và đang thách thức mỗi một ngân hàng phải có những bài toán hợp lý cho việc marketing cho sản phẩm, dịch vụ của mình


Ngày nay tình hình cạnh tranh diễn ra hết sức gay gắt trong mọi lĩnh vực của nền kinh tế , do vậy nó mang lại cho mỗi doanh nghiệp rất nhiều cơ hội nhưng cũng không ít những thách thức, đòi hỏi mỗi doanh nghiệp phải tự thích nghi và có những hướng đi đúng đắn. Ngân hàng là một nganh dịch vụ đặc biệt có rủi ro lớn: nguyên liệu chính và không thể thay thế của ngân hàng là tiền, phần lớn lại không phải thuộc sở hữu của ngân hàng. Như­ trên chúng ta đã nghiên cứu thì ngân hàng là tổ chức có hoạt động chính là “nhận tiền gửi” để “cho vay”. Số vốn mà ngân hàng được phép huy động có thể gấp tới 20 lần số vốn tự có của ngân hàng. Thực tế sẽ là: toàn bộ số tiền mà ngân hàng sử dụng để cho vay không phải là tiền của ngân hàng. Ngân hàng có trách nhiệm hoàn trả không điều kiện đối với khách hàng gửi khi họ muốn rút tiền, trong khi đó ngân hàng không có quyền đó với khách hàng vay của mình và ngay cả khi đến hạn thì khách hàng vay ch­a chắc đã trả đúng hạn. Điều đó có nghĩa là: trong hoạt động của ngân hàng không thể không có rủi ro, đó là điều tất yếu. Khi ngân hàng gặp rủi ro thì không chỉ ảnh hưởng đến ngân hàng mà còn ảnh hưởng đến nền kinh tế. Chính vì thế marketing được áp dụng vào hoạt động của ngân hàng để hạn chế rủi ro.

Bên cạnh đó, ngân hàng hoạt động trong hành lang hẹp về pháp lý của Nhà n­ớc nhưngvẫn chịu sự cạnh tranh gay gắt của thị trường. Ngân hàng không chỉ cạnh tranh với ngân hàng mà còn cạnh tranh với số l­ợng ngày càng đông các tổ chức tài chính khác đang xâm nhập vào hoạt động ngân hàng. Do đó muốn tồn tại ngân hàng phải nâng cao được sức cạnh tranh và hình ảnh của mình trên thị trường. Mặt khác, sản phẩm của ngân hàng mang tính đơn giản đồng điệu,dễ bị bắt ch­ớc một cách nhanh chóng. Việc đ­a ra sản phẩm mới đối với ngân hàng lại không phải là dễ và điều đó còn phụ thuộc vào điều kiện của nền kinh tế .

Và lý do hơn hết để marketing ứng dụng vào ngân hàng là lợi nhuận. Ngân hàng là một tổ chức kinh doanh chứ không phải là một tổ chức xã hội do đó lợi nhuận là mục tiêu sống còn của ngân hàng. Marketing được ứng dụng vào ngân hàng nhằm thu hút và thoả mãn nhu cầu khách hàng, và hướng tới mục tiêu cuối cùng đó là lợi nhuận.

Marketing ngân hàng có thể được hiểu đơn giản là marketing được ứng dụng vào hoạt động của ngân hàng nhằm thoả mãn khách hàng và thu được lợi nhuận tối ­ưu.

Tuy nhiên có một số ý kiến khác nhau về marketing ngân hàng như sau:
Marketing ngân hàng là hoạt động tiếp cận thị trường của ngân hàng th­ương mại nhằm phát hiện nhu cầu về các sản phẩm dịch vụ từ đó ngân hàng thoả mãn tối đa nhu cầu đó nhằm mang lại hiệu quả cao nhất trong hoạt động kinh doanh.

“Marketing ngân hàng là một hệ thống tổ chức quản lý của một ngân hàng để đạt được mục tiêu đề ra của ngân hàng là thoả mãn tốt nhất nhu cầu về vốn, cũng như các dịch vụ khác của ngân hàng đối với nhóm khách hàng lựa chọn bằng các chính sách, biện pháp hướng tới các mục tiêu cuối cùng là đối đa hoá lợi nhuận”

Và thực tế đã chứng minh các ngân hàng kinh doanh trên cơ sở các hoạt động đã được chiến l­ược hóa luôn thành công hơn các ngân hàng kinh doanh theo kiểu tuỳ tiện đối phó với thị trường. Sự thành công của các ngân hàng không xây dựng các chiến lược marketing, nếu có, chỉ là sự may mắn mà thôi và mang tính ngắn hạn.
1) Khái niệm marketing dịch vụ
Marketing dịch vụ là sự thích nghi lý thuyết hệ thống vào thị trường dịch vụ, bao gồm quá trình thu nhận, tìm hiểu, đánh giá và thỏa mãn nhu cầu của thị trường phát triển bằng hệ thống các chính sác, các biện pháp tác động vào toàn bộ quá trình sản xuất, cung ứng và tiêu dùng dịch vụ thông qua phân bố các nguồn lực của tổ chức. Marketing được duy trì trong sự năng động qua lại giữa các sản phẩm dịch vụ nhằm thỏa mãn nhu cầu của người tiêu dùng và những hoạt động của đối thủ cạnh tranh trên nền tảng cân bằng lợi ích giữa doanh nghiệp, người tiêu dùng và xã hội.

Khái niệm đã đề cập đến một số vấn đề cơ bản của marketing dịch vụ:
- Nghiên cứu nhu cầu, đặc điểm nhu cầu của thị trường mục tiêu và những yếu tố chi phối thị trường mục tiêu.
- Thỏa mãn nhu cầu có hiệu quả hơn đối với đối thủ cạnh tranh trên cơ sở khai thác và huy động các nguồn lực của tổ chức.
- Thực hiện cân bằng động các mối quan hệ sản phẩm dịch vụ (loại hình, số lượng, chất lượng) với sự thay đổi nhu cầu của khách hàng.

Khái niệm, định nghĩa marketing dịch vụ

2) Đặc điểm marketing dịch vụ
Marketing dịch vụ được phát triển trên cơ sở thừa kế những kết quả của Marketing hàng hóa. Tuy nhiên, do những đặc điểm riêng của dịch vụ, hệ thống Marketing Mix cho hàng hóa không hoàn toàn phù hợp với các tổ chức cung ứng dịch vụ. “Tiếp thị trong thế kỷ 21 không còn bó hẹp trong công thức 4P truyền thống nữa mà đã và đang mở rộng ra thêm 3P thành Công thức 7P. Những nỗ lực tiếp thị sẽ được tiếp thêm nhiều năng lực và đánh bại các đối thủ cạnh tranh với công thức mới này. Một khi doanh nghiệp đã xây dựng xong chiến lược tiếp thị, công thức 7P nên được sử dụng để liên tục đánh giá và tái đánh giá các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp”.

Product ( Sản phẩm ) Sản phẩm là những cái gì có thể đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Hàng hoá là sản phẩm có thể đưa vào thị trường để tạo ra sự mua bán. Doanh nghiệp chỉ có thể đạt được lợi nhuận thỏa đáng nếu đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Sản phẩm là yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất của hệ thống Marketing – mix. Chất lượng của sản phẩm được đo lường giữa chất lượng khách hàng kì vọng và chất lượng khách hàng mong đợi. Nếu chất lượng thực tế của sản phẩm không như mong đợi thì khách hàng sẽ cảm thấy thất vọng. Ngược lại, khi chất lượng thực tế của sản phẩm đáp ứng như mong đợi hoặc vượt quá sự mong đợi thì khách hàng sẽ cảm thấy hài lòng và hoan hỉ, vui vẻ. Chất lượng thật sự của hàng hoá do nhà sản xuất cung cấp thường khác với chất lượng khách hàng cảm nhận được. Chất lượng mà khách hàng cảm nhận mới là quan trọng. Chính vì thế doanh nghiệp cần phải có một chính sách sản phẩm hợp lý. Chính sách sản phẩm này đòi hỏi phải thông qua những quyết định phù hợp với nhau về từng đơn vị hàng hoá, chủng loại hàng hoá và danh mục hàng hoá

Price ( Giá ) Giá cả là những gì mang lại doanh thu, lợi nhuận cho doanh nghiệp. Đồng thời, giá tạo ra chi phí cho khách hàng, là những gì họ “trả” để có được sản phẩm với tính năng và nhãn hiệu cụ thể. Doanh nghiệp phát triển thói quen thường xuyên xem xét và xem xét lại các mức giá của các sản phẩm và dịch vụ mà doanh nghiệp đang cung cấp để đảm bảo rằng nó luôn phù hợp với thực tế của thị trường hiện tại. Bằng việc nâng giá, các doanh nghiệp có thể đánh mất một số lượng khách hàng, nhưng tỷ lệ phần trăm (%) khách hàng còn lại có thể sẽ phát sinh lợi nhuận trên từng giao dịch bán hàng. Do đó để xây dựng chính sách giá cả các doanh nghiệp cần phải lưu ý: Chi phí nào doanh nghiệp phải chịu với mức giá mà thị trường chấp nhận có lãi; sản phẩm mang nhãn hiệu của doanh nghiệp mình đáng giá bao nhiêu và làm sao truyền được giá trị này cho khách hàng; mức doanh thu hay thị phần nào, sản phẩm có thể đạt được, để thu lợi nhuận tối đa.

Promotion ( Xúc tiến ) Xúc tiến bao gồm tất cả các cách thức mà doanh nghiệp có thể nói với khách hàng về sản phẩm hay dịch vụ của doanh nghiệp và làm thế nào doanh nghiệp có thể tiếp thị và bán chúng. Những thay đổi nhỏ trong cách thức mà doanh nghiệp xúc tiến và bán sản phẩm, dịch vụ có thể dẫn tới những thay đổi lớn trong kết quả kinh doanh. Thậm chí cả những thay đổi nhỏ trong quảng cáo cũng có thể dẫn ngay tới doanh số bán hàng cao hơn. Doanh nghiệp cần phải linh hoạt hơn trong công tác xúc tiến của mình. Ngay khi phương pháp bán hàng và tiếp thị hiện tại không còn phù hợp nữa doanh nghiệp cần phải xây dựng những chiến lược, chào mời và phương pháp tiếp thị, bán hàng và quảng cáo mới.

Place ( Kênh phân phối ) Chữ P thứ tư trong Công thức tiếp thị 7P đó là địa điểm nơi doanh nghiệp thực tế bán các sản phẩm hay dịch vụ. Việc lựa chọn địa điểm hoặc kênh phân phối phù hợp sẽ ảnh hưởng tới kết quả tăng trưởng doanh số bán hàng mạnh mẽ. Bên cạnh đó việc lựa chọn địa điểm bán hàng tốt sẽ giúp cho khách hàng nắm rõ những thông tin thiết yếu về sản phẩm hoặc dịch vụ cần thiết cho những quyết định sử dụng của khách hàng.

Process ( Cung ứng dịch vụ ) Do tính đồng thời trong quá trình cung ứng dịch vụ, chất lượng của sản phẩm dịch vụ được đảm bảo chủ yếu thông qua một quy trình cung ứng rõ ràng, chuẩn xác. Loại trừ được những sai sót từ cả hai phía. Một quy trình hiệu quả cũng hạn chế được đặc điểm không đồng nhất trong quá trình cung ứng dịch vụ.

Physical evidence ( Điều kiện vật chất ) Môi trường vật chất của công ty cung ứng dịch vụ là nơi dịch vụ được tạo ra, nơi khách hàng và người cung ứng dịch vụ giao tiếp, thêm vào đó là những phần tử hữu hình được sử dụng để hỗ trợ vai trò của dịch vụ. Do đặc trưng của dịch vụ là vô hình cho nên trong kinh doanh dịch vụ các nhà Marketing phải cố gắng cung cấp các đầu mối vật chất để hỗ trợ vị trí và tăng cường cho dịch vụ bao quanh nhằm làm giảm bớt tính vô hình của dịch vụ. Do vậy có thể khẳng định bằng chứng vật chất của công ty cung ứng dịch vụ là hết sức quan trọng. Nó giúp cho việc tạo ra vị thế của công ty và trợ giúp hữu hình cho dịch vụ. Chính vì vậy mà các ngân hàng đã phải chi ra những khoản tiền lớn để tạo ra kiểu dáng kiến trúc các trang trí nội thất, trang bị đồng phục cho nhân viên…nhằm gây ấn tượng về tiếng tăm, uy tín vị thế của mình.

People ( Con người ) Con người là nhân tố giữ vị trí quan trọng trong Marketing dịch vụ và nó là nhân tố chính tạo ra dịch vụ và quyết định tới chất lượng dịch vụ cung ứng. Bởi vì con người là nhân tố không thể thiếu tham gia vào quy trình cung ứng dịch vụ của công ty. Do vậy chất lượng dịch vụ cũng như sự thành công của một công ty, Marketing dịch vụ phụ thuộc rất nhiều vào việc tuyển chọn đào tạo con người. Chính vì thế khả năng lựa chọn, tuyển dụng và giữ chân những con người thích hợp với những năng lực và kỹ năng tốt để hoàn thành công việc được giao phó là rất quan trọng.